Thuyết phục hồi lãnh thổ Quốc_gia_dân_tộc

Nhìn chung, một biên giới "lý tưởng" nhất của một quốc gia dân tộc phải khiến quốc gia ấy chứa đựng tất cả các thành viên của dân tộc mình, đồng thời phải chứa tất cả những vùng lãnh thổ được xem là quê hương của dân tộc đó. Trên thực tế không phải lúc nào cũng được như vậy: một bộ phận dân cư của một dân tộc có thể không sinh sống trong lãnh thổ của quốc gia dân tộc mình, hoặc một phần lãnh thổ quê hương của dân tộc đó lại hiện thuộc chủ quyền của một quốc gia, một dân tộc khác. Vì vậy, những người theo thuyết phục hồi lãnh thổ đòi hỏi tất cả những phần lãnh thổ đó phải được trả về cho quốc gia của mình. Thông thường, những phần lãnh thổ họ đòi lại thường có phần lớn dân cư là người đồng tộc với mình. Trong một số trường hợp khác dân cư ở đây chỉ có sự tương đồng về ngôn ngữ chính hoặc chịu ảnh hướng lớn về văn hóa, hoặc lãnh thổ đó trước đây từng là nơi định cư lâu đời của dân tộc mình, hoặc lãnh thổ đó sẽ giúp cho quốc gia được thống nhất về mặt địa lý,... và còn nhiều lý do khác. Và những hằn thù dân tộc trong quá khứ cũng là một phần trong số các nguyên nhân đó (xem thêm chính sách phục thù). Đôi khi rất khó phân biệt những người theo thuyết phục hồi lãnh thổ với những người theo chủ nghĩa đại dân tộc, vì tất cả họ đều cho rằng tất cả những người cùng một dân tộc và chung một nền văn hóa dân tộc nên sinh sống trong cùng một quốc gia. Tuy nhiên so với những người theo thuyết phục hồi lãnh thổ những người theo chủ nghĩa đại dân tộc thường ít chú ý hơn đến tính thuần nhất của dân tộc trong một quốc gia. Thí dụ những người thuộc phong trào Liên Đức có nhiều ý kiến khá khác nhau về lãnh thổ của một nước Đại Đức (Großdeutschland hay Grossdeutschland), mà quốc gia Đại Đức đó bao hàm cả những phần lãnh thổ mà người dân thuộc các dân tộc thiểu số nói tiếng Xlavơ chiếm một tỉ lệ rất lớn.

Thông thường, các yêu cầu phục hồi lãnh thổ được các thành viên của các phong trào dân tộc phi quốc gia khởi xướng. Khi họ sinh sống trong một vùng lãnh thổ thuộc một quốc gia khác thì họ thường xuyên có những xung đột và căng thẳng với các chính quyền sở tại, và những nỗ lực trong việc sáp nhập các lãnh thổ này thường dẫn đến một casus belli, tức là một biến cố khơi mào chiến tranh. Trong nhiều trường hợp, những tuyên bố và tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ có thể là nguyên nhân của thái độ thù địch kéo dài hàng năm trời giữa những quốc gia lân bang. Và một điều đáng chú ý là những người theo thuyết phục hồi lãnh thổ thường cố phổ biến và lưu hành những bản đồ về một quốc gia "vĩ đại" của dân tộc họ, mà quốc gia lý tưởng này thường có lãnh thổ rộng lớn hơn hẳn so với lãnh thổ của quốc gia dân tộc hiện tại. Tất nhiên, điều này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền.

Tuy nhiên không nên nhầm lẫn các hoạt động của những người theo thuyết phục hồi lãnh thổ với những hoạt động đòi lại các lãnh thổ hải ngoại hoặc các thuộc địa; những lãnh thổ này thường không được xem là một phần của lãnh thổ quê hương. Một số thuộc địa của Pháp lại là những ngoại lệ quan trọng: ví dụ chính phủ thực dân Pháp ở Algérie luôn xem khu vực này như là một khu hành chính của mẫu quốc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_gia_dân_tộc http://www.federalism.ch/files/documents/Nation.pd... http://www.countrywatch.com/facts/facts_default.as... http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id... http://www.ocf.berkeley.edu/~sumanah/decalsyllabus... http://muse.jhu.edu/demo/contemporary_literature/v... http://ambassadors.net/archives/issue19/opinions2.... http://www.nationalityinworldhistory.net/ch1.html http://www.united.non-profit.nl/pages/thema01.htm#... http://www.number10.gov.uk/Page823